Thời sự quốc tế · Tiếng Việt

Xóa hay không xóa facebook và câu hỏi khác thú vị hơn nhiều

Không khí xung quanh vụ lùm xùm Facebook với Cambridge Analytica và thông tin người dùng mình thấy quen quen, dường như cũng tương đồng như buổi bình minh của những cuộc cách mạng khoa học công nghệ từ xa xưa tới giờ, khi mà khí thế hừng hực háo hức buổi ban đầu bắt đầu đan xen với những nỗi sợ hãi: sợ hãi vì không hiểu hết khả năng của nó, sợ hãi vì không thể chế ngự được nó, sợ hãi vì không biết nó sẽ làm thay đổi xã hội và môi trường sống của loài người như thế nào. Sau thời kì hoang mang đó, con người sẽ họp lại để thống nhất phải ”xử” hay sử dụng ”trò chơi” mới này như thế nào. Và rồi, con người lại lao vào chuỗi hành trình khám phá và sáng tạo mới phá vỡ những nhận định và biên giới trước đó; trước là để hiểu và tìm cách chế ngự thiên nhiên và vươn ra ngoài vũ trụ, còn bây giờ, biên giới mới là đi sâu vào nội tâm con người.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt là, trong lần kháng cự lần này, với những công nghệ hòng phân tích và điều khiển nội tâm con người, mình nghĩ rằng chúng ta vẫn luôn có trong tay hai thứ vũ khí: một là hiểu biết, hai là tĩnh tâm. Phải hiểu mình hơn mọi thuật toán và mô hình máy tính và phải tĩnh để cho mình khoảng cách giữa thông tin và hành động. Ông bà Việt Nam mình vẫn khuyên là: Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân thì sợ gì công nghệ nhỉ. Dù sao đi nữa, hiện tại thì chúng ta chỉ có thể nói là CA góp phần tác động vào kết quả các cuộc bầu cử nhưng rốt cuộc người cầm trên tay lá phiếu đi bầu vẫn là những cử tri phải không? Dù sao đi nữa, dù các ứng dụng có cố đẩy cho ta những quảng cáo như thể hiểu ta lắm, thì chúng ta mới là người xem chúng có thật sự cần thiết hay không phải không? Dù sao đi nữa, dù các dòng thời gian cố tình đẩy cho ta những thông tin mà ai đó muốn mình xem, nếu mình thật sự quan tâm ai hay việc gì đó, chúng ta vẫn có thể tự thân vận động tìm hiểu để tìm cho mình một lối đi riêng đúng không?
Và dù sao đi nữa, có xóa facebook thì chúng ta cũng không thể gác tay lên trán ngủ yên rằng mình đã góp phần dừng lại bánh xe của lịch sử. Nó sẽ vẫn lăn. Và dù kết quả của cuộc kháng cự lần này như thế nào đi nữa, đến cuối con đường này rốt cuộc chúng ta cũng sẽ trả lời được câu hỏi: liệu chúng ta có tự do ý chí hay không, nhỉ?
P/s: ngẫm cũng thấy mắc cười là mình thật sử biết đến và theo dõi vụ lùm xùm và phong trào xóa facebook hoàn toàn qua facebook. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *