Thời sự Việt Nam · Tiếng Việt

Luật an ninh mạng – An ninh cho ai?

“You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards”

Ngày 9.6.2011

Buổi sáng hôm ấy, trên đường ra sân bay Bruxelles thì mình nhận được tin là tất cả các chuyến bay từ sân bay này đều bị hõan vô thời hạn cho tới khi đạt được thỏa thuận giữa công đoàn công nhân làm việc ở sân bay và nhà quản lý. Đối với nhận thức của mình lúc bấy giờ, sau 18 năm sống ở Việt Nam và 4 năm sống ở Singapore, nơi mà khách hàng là thượng đế và trật tự là trên hết, đình công diện rộng như vậy là một sự kiện lạ khi một nhóm người có quyền đứng lên thể hiện tiếng nói của mình và làm ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các thành phần khác trong xã hội. Sau trải nghiệm 24 giờ bị kẹt ở Bỉ đó, mình đã ghi chú vào trang cá nhân của mình là: Ồ đây là cái giá của tự do, của dân chủ đó sao? Mỗi người chịu thiệt một chút, vì quyền lợi thể hiện quan điểm và đấu tranh của mọi người.

Ngày 9.6.2018

Buổi sáng hôm nay, mình thức dậy với một tin vui khi biết Chính phủ Việt Nam vừa phát ra thông cáo sẽ hoãn trình dự thảo Luật đặc khu vào lúc 2g44’ sáng. Phải nói dự thảo lần này là điều làm mình trăn trở cả tuần nay, bởi vì dự án tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Quảng Ninh 2012-2020, tầm nhìn 2030 là một trong những dự án đầu tiên, xuyên suốt và có ý nghĩa nhất đối với mình trong thời gian mình công tác ở Hà Nội 2012-2014. Mình đã rất tâm huyết, chỉ đơn giản vì mình tin vào sự thay đổi tích cực, dù nhỏ. Tuy nhiên, chỉ đạo các địa phương vạch ra chiến lược để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của mình khác hẳn với việc làm luật để áp đặt những cơ chế đặc thù cho cả 3 địa phương mà không hề làm rõ lộ trình thử nghiệm cái gì, đột phá chỗ nào hay hiệu ứng lan tỏa từ 3 địa phương này ra sao cho nền kinh tế cả nước. Đó là chưa kể đến những yếu tố an ninh, địa chính trị mà mọi người đã phân tích.
Dù sao, tuần qua cũng là một tuần thật đáng nhớ, khi một lần nữa, công nghệ thông tin đã tạo điều kiện, và thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình làm luật và đối thoại với chính phủ. Chúng ta có thể đi chậm hơn một chút, nhưng đây là cái giá của phát triển bền vững.

Luật An ninh mạng

Cái gì cũng có hai mặt. Trong một diễn biến khác, tuần báo Economist của Anh tuần này trong chuyên mục “Technology Quarterly” có ra một loạt bài về những bước phát triển mới của công nghệ thông tin, ảnh hưởng của nó đối với hoạt động giám sát ngày càng dày đặc của các chính phủ và mối nguy hại từ đó đối với việc thực thi công lý và quyền riêng tư của người dân. Đây là một vấn đề đang được đặc biệt quan tâm ở phương Tây. Họ càng đáng lo ngại hơn khi Trung Quốc là một quốc gia dẫn đầu trong công nghệ giám sát. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt đầu được trang bị kính mắt có gắn camera có khả năng nhận diện khuôn mặt (như trong Conan vậy đó!). Và thị trường công nghệ giám sát của Trung Quốc đang được ước tính có giá trị 120 tỉ đô la Mỹ.
Trong bối cảnh đó, một đạo luật An ninh mạng ra đời bây giờ về nguyên tắc là rất kịp thời và cần thiết. NHƯNG, luật đó phải ra đời để bảo vệ người dân đối với việc lạm dụng dữ liệu và thông tin về họ của các tổ chức cho dù đó là vì lợi nhuận hay quyền lực. Mình không hề thấy được yếu tố đấy trong dự thảo luật An ninh mạng sắp đưa ra quốc hội trình vào ngày 12/6 tới đây. Trong khi xu hướng ở các nước là tăng cường làm luật để bảo vệ an toàn thông tin và riêng tư của người dân trong thế giới số vì họ mới chính là đối tượng cần được bảo vệ (như luật GDPR vừa đi vào hiệu lực ở châu Âu) thì dự thảo luật An ninh mạng ở Việt Nam lại đi ngược lại, chỉ chăm vào tăng cường khai thác thông tin của người dân mà không hề có biện pháp nào để kiểm soát rằng việc khai thác thông tin đó sẽ được diễn ra công bằng.
Sau khi đọc dự thảo luật này, mình thực sự hi vọng mọi người cũng chịu khó tìm hiểu và đóng góp cho dự thảo này. Chỉ còn 3 ngày nữa thôi. Chúng ta không thể để một dự thảo luật đi sai trọng tâm và đi ngược lại xu thế của thời đại như vậy được thông qua! Vấn đề này khá là nhức não, chính phủ cả thế giới vẫn đang thảo luận say sưa, các doanh nghiệp ở châu Âu cũng đang chật vật để đáp ứng yêu cầu mới về quản lý thông tin cá nhân của luật GDPR. Các bên đều bị làm khó một chút, nhưng đó là cái giá tất yếu phải trả cho một môi trường số an toàn và tự do. Freedom isn’t free.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *