Chúng ta vẫn còn đang ở giữa thời điểm dịch nên mình chưa có số liệu hoàn chỉnh và chính thức để phân tích, chỉ có thể đưa ra một số suy ngẫm ban đầu, đặc biệt là những tranh cãi xoay quanh chuyện chính sách cách ly, chữa trị tích cực hay không tích cực, và thái độ đối với việc đeo khẩu trang hay thậm chí nước nào “giỏi” nhất trong việc “dập dịch”
1/ Về chính sách cách ly
Trong thời gian qua nhiều người ở Phần Lan (đặc biệt là người Việt Nam ở Phần Lan) bày tỏ quan ngại về sự quản lý lỏng lẻo của chính phủ Phần Lan đối với những người đi từ vùng dịch về. Cái này thì lo ngại thật. Hai tuần trước mình phải đi từ Trung Đông về nhưng đi qua sân bay không hề có một trạm kiểm soát y tế nào để rà soát những cá nhân (đặc biệt là đi về từ vùng dịch) có triệu chứng nghi ngờ để yêu cầu cách ly. Lúc bấy giờ, Phần Lan vẫn nghĩ là dịch còn ở đâu xa lắm.
Tuy nhiên, quan ngại về chính sách của Phần Lan là những người đi từ vùng dịch về mà không có triệu chứng thì không cần cách ly mình nghĩ là không cần thiết. Bởi vì cơ chế lây lan của virus Corona là qua dịch tiết ra hoặc giọt bắn từ người bệnh. Người bị nhiễm trong thời gian ủ bệnh, nếu không có triệu chứng hắt hơi hay ho thì khả năng truyền bệnh cho người khác rất thấp phải không? (Trừ phi bạn ăn chung, xài đồ chung, hun hít chào hỏi, hay cười nói vô duyên bắn nước miếng vào mặt người khác – những thói quen đều hiếm ở Phần Lan)
Lại nói về Việt Nam theo chính sách cách ly đại trà, cứ từ vùng dịch về là cho vô trại cách ly tập trung, có thể làm người dân yên tâm lúc đầu đấy, nhưng thật sự không thể không đặt câu hỏi cho tính hiệu quả và lâu dài của nó. Trong suốt thời gian sau 16 và trước No17, không có một ca dương tính nào từ số người được cách ly thì chúng ta có nên đặt câu hỏi là chúng ta có đang cách ly đúng đối tượng hay không? Và ngân sách của chúng ta sẽ chịu đựng được bao lâu khi dịch bệnh sẽ kéo dài?
2/ Chữa trị tích cực hay không tích cực
Mình đã từng kể chuyện với rất nhiều bạn bè về chuyện dở khóc dở cười của mình khi đi khám bệnh ở Phần Lan. Túm gọn lại là nếu bạn muốn được khám nhanh thì triệu chứng phải nặng một chút. Nhiều khi gọi điện đặt lịch khám mà thấy nhục vì toàn được khuyên là bạn nên uống nước, hít thở đều đặn và nghỉ ngơi rồi sẽ khỏi (ý nói mình bệnh là do lười tập thể dục đó mọi người ạ. Tới chừng đi khám thì bác sĩ rất là chịu khó trò chuyện với mình nhé nhưng bạn sẽ có cảm giác là bác sĩ không có chính kiến gì lắm. Họ chỉ nói theo sách (hay thậm chí là Google! Ừm, mình mắc bệnh hỏi nhiều mà hỏi nhiều câu bác sĩ không trả lời được thế là google xong in ra cho mình đọc đó, mà nhiều khi mình google còn nhanh hơn bác sĩ), đưa cho mình số liệu rồi mình mới là người quyết định xem phải làm cái gì. Có lần cholesterol của mình hơi cao do ham ăn, bác sĩ phán là với độ tuổi của cô thì cô có 5% qua đời vì bệnh tim vào năm 40 tuổi nếu vẫn tiếp tục ăn uống như hiện tại. Hoặc là theo hiệp hội Phần Lan thì cô uống thuốc này được, không sao, nhưng tôi cũng không chắc vì cũng chỉ là số liệu thống kê, cô có thể đi tham khảo thêm nhiều nguồn khác như hiệp hội…Thụy Điển hay là đi hỏi thẳng dược sĩ.
Kể dài dòng vậy, để mọi người hình dung được là bác sĩ ở đây họ làm việc “bài bản” thế nào, không có số liệu khẳng định là họ không chịu làm gì đâu. Cho nên mình cũng không lấy làm lạ khi đa số người mắc Corona nếu sức khỏe tốt đều cho về nhà tịnh dưỡng, cách ly tại gia. Tại vì rõ là không có thuốc diệt virus, chỉ có thuốc trị triệu chứng, mà không có triệu chứng thì giữ ở bệnh viện làm gì? Chỉ tổ lây cho người khác và y bác sĩ. Mà lực lượng y bác sĩ ở đây đã mỏng sẵn rồi, không thể có chuyện hi sinh một bệnh viện để cứu cả vùng. Với lại hệ thống y tế ở đây không có nhu cầu báo công chữa hết bệnh nên họ cũng không sốt sắng lắm, cũng không cần quảng bá số liệu chữa khỏi vì bảo mật thông tin cá nhân cũng là điều dễ hiểu.
3/ Đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang? Và ai nên đeo?
Lại cũng người Việt ở Phần Lan sốt sắng vì chuyện không thấy chính phủ khuyến khích đeo khẩu trang đối với những ai không có triệu chứng. Nhưng thật sự mình không hiểu, chẳng lẽ tất cả mọi người trên thế giới (hay tất cả mọi người trong vùng/nước của bạn) đều đeo khẩu trang thì mới làm bạn yên tâm? Bạn yên tâm nhưng được bao lâu? Khi mà cung chắc chắn sẽ không đủ cầu? Nếu bạn tin là đeo khẩu trang có thể giúp bạn (một phần nào đó) phòng bệnh thì bạn cứ việc đeo khẩu trang 24/7 nếu bạn có thể mua được và có thể tuân thủ nghiệm ngặt cách đeo khẩu trang đúng. Tại sao lại sợ người khác kì thị vì mình đeo khẩu trang khác người? Không ai cấm bạn đeo khẩu trang vì niềm tin, nhưng chính phủ không thể khuyến khích tất cả mọi người dù có hay không có triệu chứng đều đeo để dẫn tới tình trạng khan hiếm cho những người thật sự cần. Mình nghĩ cái đáng lo là những người có triệu chứng cúm ở đây cũng không đeo khẩu trang (vì đang cũng vào mùa cúm nên người ho xổ mũi cũng nhiều, chả biết đâu mà lần). Được cái ý thức của đại đa số mọi người (không phải tất cả) ở đây khá tốt, ho đều lấy cánh tay che lại, cúi gầm mặt xuống để hạn chế giọt bắn văng xa. Bình thường đã thế rồi.
Nói thật với mọi người là mình cũng có “đầu cơ tích trữ” được một ít khẩu trang phòng thân (khẩu trang y tế ở đây 54 euro 50 cái nhưng mình không có đeo. Mình để dành lỡ mình bệnh hay người nhà mình bệnh đeo để cách ly thôi.
4/ Quốc gia nào “dập dịch” giỏi nhất?
Đến thời điểm này thì mình đánh giá quốc gia “dập dịch” giỏi nhất là Hàn Quốc, trong tình trạng quá nhiều yếu tố bất lợi (những người nhiễm đầu tiên thuộc một cộng đồng lớn và khí hậu lạnh). Bởi vì mình cho rằng đánh giá khả năng quản lý phải nhìn vào yếu tố đầu vào, tốc độ tăng trưởng ca bệnh mới và tỉ lệ tử vong so với tỉ lệ được xét nghiệm, và thời gian từ thời điểm bùng phát (là điều không thể tránh khỏi) cho đến lúc giảm được số lượng ca nhiễm mới. Yếu tố đầu vào càng bất lợi mà kết quả kiểm soát càng tốt thì chứng tỏ khả năng quản lý càng tốt. Giống như mọi người vẫn đang tranh luận là Harvard có năng lực dạy / chuyển hóa giỏi hay là đầu vào Harvard tự thân đã giỏi hơn người?
Việt Nam cũng giỏi, nhưng chưa phải giỏi nhất. Thời tiết nóng đã là một lợi thế hơn người rồi cộng thêm lực lượng trinh sát nhân dân vốn đã hùng hậu
Mấy ngày nay mình thật sự không hiểu mấy bạn kêu bạn số 17 đá phản lưới nhà phút 90. Thật sự bạn nghĩ là không có bạn 17 này thì sẽ mãi mãi không có bạn 17 nào khác để Việt Nam có thể tuyên bố hết dịch trong khi cả thế giới còn chưa bước vào đỉnh điểm của dịch sao?
Còn Phần Lan thì khỏi nói rồi, có bao giờ mang tâm lý dẫn đầu hay thi đua với ai đâu mà so sánh? Họ chỉ làm hết sức mình và theo những số liệu mà họ có thôi. Quan sát kĩ thì bạn sẽ thấy là chính sách của họ thay đổi theo tình hình. Chỉ mới tuần trước, dân tình bừng bừng phản ứng khi mà người nhà của người bị cách ly vẫn được đi làm đi học bình thường thì hôm nay họ đã bắt đầu cách ly có chọn lọc cả những người tiếp xúc với người tình nghi nhiễm. Tuy chính phủ phản ứng chậm nhưng có thay đổi theo số liệu mới là điều tốt. Trong con số 40 ngày hôm qua (hôm nay đã lên 61) thì 75% trong số đó là nhiễm ở nước ngoài, và 25% là lây nhiễm cộng đồng. 25% cũng là một con số đáng lo ngại nên mình cũng thấy chính sách có phần sốt sắng hơn. Mà cũng không đợi chính phủ, các công ty cũng đã bắt đầu ra nhiều chính sách bảo vệ nhân viên công ty mình.
Túm lại là, mình cũng đang lo lắng, nhưng mình nghĩ trong thời gian này, tốt nhất là… thân ai nấy lo. Mỗi người giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây và súc miệng ngày hai lần bằng nước muối ấm là bớt một nỗi lo cho cộng đồng rồi đó.
P/S: Hồi nhỏ, ba mình chỉ dặn đi dặn lại mình có hai chuyện: là ra đường nhớ cầm theo bình nước cá nhân và tối đi ngủ phải súc nước muối. Giờ cả hai thói quen đó của ba mình đều thành thời thượng hết, công nhận ba mình đi trước thời đại hơn hai thập kỉ haha. Giờ mình đi công tác, cũng mang theo hộp nhỏ đựng muối như ngày xưa đi diễn ở xa. Nhớ ba má ghê!