Kể chuyện Phần Lan · Tiếng Việt

Chuyện thuế ở quốc gia “Hạnh phúc nhất thế giới”

Hằng năm, cứ vào cuối thu, bà con ở xứ sở này có một ngày gọi là ngày “toàn quốc ganh tị”, bởi theo truyền thống minh bạch, vào ngày 1/11 hàng năm, sở thuế quốc gia sẽ công bố danh sách những người có thu nhập cao nhất và đóng thuế nhiều nhất. Thường những bạn có mức thu nhập trên 100kEUR sẽ được tập hợp danh sách “bảng vàng thành tích” để bà con lên mạng xem và tìm kiếm người quen, đồng nghiệp. Các báo lá cải sẽ đua nhau giật tít top 10 doanh nghiệp và cá nhân đóng thuế nhiều nhất hay danh sách người trẻ lọt vào bảng vàng 100kEUR.

Chuyện đóng thuế ở xứ sở kì lạ này cứ như là một cuộc chạy đua, ai đóng thuế nhiều là vẻ vang nhất và được vinh danh đáng kể.
Không chỉ có thế, chuyện thuế má ở xứ này len lỏi đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống, đến những giao dịch riêng tư nhất, như chuyện vợ chồng tặng quà nhau mà tổng vượt trên 5kEUR trong 3 năm cũng phải … đóng thuế. Càng tìm hiểu kĩ về phương thức thu chi thuế má ở xứ này mình phải nhiều lần thán phục sự sáng tạo, vừa thực dụng vừa lãng mạn và nhìn xa của dân tộc này.

Đóng thuế là lấy của người giàu chia cho người nghèo?

Chuyện nó không đơn giản như thế. Người giàu nào đâu có ngây thơ.

Kết quả khảo sát tháng 10/2019 của Sở Thuế Phần Lan cho ra kết quả 98% dân số Phần Lan tin rằng đóng thuế là quan trọng để duy trì chế độ phúc lợi xã hội và quan trọng là 78% tin rằng số tiền thuế họ bỏ ra là đáng đồng tiền bát gạo [1]. Hồi đi học mình có hỏi mấy bạn nhà giàu có ba mẹ làm doanh nhân là tại sao người Phần Lan lại vui vẻ đóng thuế cao như thế. Câu trả lời mình thường nhận được là bởi vì hôm nay bạn thế này nhưng không ai biết được ngày mai sẽ ra sao, cho nên xã hội cần duy trì một chiếc đệm an toàn cho TẤT CẢ mọi người. Hơn nữa, duy trì một mức sống chấp nhận được cho TẤT CẢ mọi người không phải vì lợi ích của người nghèo mà vì an ninh, lợi ích của TOÀN XÃ HỘI. Bạn không thể sống bình an khi xung quanh bạn người khổ quá nhiều. Và tất nhiên đóng thuế nhiều thì người Phần Lan cũng phải đòi hỏi chất lượng cao (chứ không phải thường thường bậc trung) cho tất cả những dịch vụ công cơ bản, thì mới xứng đáng đồng tiền bát gạo.

Ngoài chất lượng giáo dục cơ bản cao nhất nhì thế giới, Phần Lan còn có một chính sách đi đầu trong một thập niên qua nhưng ít người biết đó là “Housing First” [2]. Nghĩa là trợ cấp nhà xã hội vô điều kiện cho người vô gia cư. Đa số các quốc gia phát triển thường giải quyết vấn đề vô gia cư bằng cách yêu cầu người vô gia cư phải cam kết/chứng minh sẽ sống tử tế (bỏ nghiện ngập, rượu chè chẳng hạn) trước khi được cấp nhà. Phần Lan đã làm ngược lại: cấp nhà trước để tạo tiền đề cho người vô gia cư giải quyết vấn đề của mình. An cư rồi mới lạc nghiệp. Một cách tự nguyên, không ràng buộc vì họ hiểu rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Về lâu dài và trên diện rộng, người thụ hưởng sẽ tự biết cách “trả nợ” xứng đáng. Vì thế, khi đến thăm Helsinki, nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy một điều rất lạ so với thủ đô các nước là hầu như chẳng có ai ngủ gầm cầu thang hay ga tàu cả.

Tầm nhìn xa thể hiện ở việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người thiểu số

Năm 2014, mình chọn Phần Lan làm đích đến đi học thạc sĩ một phần vì quá ngán ngẩm chuyện phải làm hồ sơ xin học bổng, phải chứng minh thể hiện bản thân này nọ. Năm đó, Phần Lan vẫn miễn phí giáo dục từ đại học cho sinh viên nước ngoài bất kể nguồn gốc. Không chỉ miễn phí học phí, mọi sinh viên nước ngoài đều được hưởng tất cả những quyền lợi và trợ giá dành cho sinh viên bản địa. Mình đã từng học ở Singapore, Úc, Phần Lan và Áo thì phải nói Phần Lan là nước đã có nhiều năm đối xử công bằng nhất cho sinh viên quốc tế mà không đòi hỏi bất kì một ràng buộc nào. Giữa Singapore nơi mình cũng được tài trợ học phí nhưng có ràng buộc và Phần Lan vô tư lợi thì thật lòng mà nói, mình vẫn thấy nặng nợ với Phần Lan hơn.
Hai năm học thạc sĩ ở đây cũng là hai năm tranh cãi sôi nổi về vấn đề có nên thu học phí hay không cho sinh viên ngoài khối EU. Rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối đề xuất của chính phủ trung-trung hữu này, mà điều mình thấy lạ nhất là những người tham gia biểu tình đa số là sinh viên bản địa. Mình tự hỏi, tại sao họ phải nhọc công như thế để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm rất rất rất nhỏ, thậm chí còn không phải là đồng bào của họ, cũng không có nghĩa vụ đi làm đóng thuế gì cho đất nước của họ sau tốt nghiệp? Có hai quan điểm chính được đưa ra: một khá lãng mạn, một rất thực dụng. Lãng mạn vì một số cho rằng, quyền được đi học miễn phí bất kể nguồn gốc là quyền bất khả xâm phạm. Còn thực dụng vì một số lo ngại rằng nếu mình không quan tâm đến quyền lợi của một nhóm thiểu số thì ngày nào đó, chính phủ sẽ động đến quyền lợi đi học miễn phí của mình lúc nào không hay. Con ếch bị đun nóng từ từ thì sẽ không thấy nóng cho tới khi bị sốc nhiệt.
Sau này, trau đổi thêm với một số bạn có ba mẹ làm chính trị gia thì mình mới ngộ ra thêm một lý do sâu xa nữa cho việc tài trợ sinh viên quốc tế: đó là tự nhiên không phải nuôi từ nhỏ mà đất nước bản địa thêm được cơ số người được đào tạo bài bản đóng thuế tự nguyện, thậm chí bằng cách làm công việc chân tay trái ngành đào tạo. Chính phủ bản địa không ép buộc cũng không thu hút vồn vã (cũng là cái dở của họ!), nhưng họ hấp dẫn người ở lại bằng chính chất lượng cuộc sống và chính sách xã hội của mình (hay là bằng cái cảm giác “nặng nợ” như với người sến súa như mình.
Thêm một điều thú vị nữa là, nếu bạn là người ngoại quốc có con đi học hệ thống trường công ở đây, tất nhiên ngoài việc học tiếng Phần, nhà nước còn tài trợ thuê giáo viên riêng để con bạn được học tiếng bố/mẹ đẻ nếu có nhu cầu từ cấp một. Ý nghĩa lãng mạn của chính sách này là vì triết lý mọi trẻ em đều có quyền biết gốc gác của mình qua việc học tiếng bố/mẹ đẻ. Còn ý nghĩa thực dụng? Hóa ra Phần Lan họ có cả một cái gọi là chiến lược ngôn ngữ quốc gia và họ cho rằng ngôn ngữ của các gia đình nhập cư là một tài nguyên quốc gia chưa được khai thác hết sức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cho nên đang có đề nghị cần phải đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ nhà nước trong việc hỗ trợ dạy tiếng bố/mẹ đẻ từ thuở lọt lòng, từ trạm xá cho tới nhà trẻ [3]! Bản thân là một gia đình nhập cư ở đây mà mình phải luôn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi người bản địa còn nghĩ xa, nghĩ trước cho quyền lợi của mình, những thứ mà họ chả bao giờ phải dùng tới và lợi ích trước mắt thì khó mà định lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *