Thời sự Việt Nam · Tiếng Việt

Tiếng Việt – Đánh vần quan trọng lắm sao?

[Trong bài này mình chỉ lạm bàn chuyện đánh vần thôi nha, chớ mình không có tư liệu để lấn sang bàn về nội dung cả quyển sách Tiếng Việt CNGD hay cả hệ thống trường thực nghiệm)

Chuyện đánh vần, lẽ ra nó không quan trọng đến thế, lẽ ra nó không cần quan trọng đến thế vì về mặt kĩ thuật thì nó cũng chỉ là một bước đệm để học đọc, học viết. Về mặt phương pháp, cái khác biệt lớn nhất giữa phương pháp dạy đánh vần của GS. Hồ Ngọc Đại (CNGD) và phương pháp đại trà hiện tại đó là: phương pháp CNGD dạy đánh vần theo ngữ âm (phân biệt chữ cái và âm vị, ghép các âm lại với nhau để đánh vần và dùng quy tắc chính tả/ngữ nghĩa để quyết định phải viết ra thành chữ thế nào) còn phương pháp đại trà thì dạy nhìn mặt chữ và đánh vần theo tên chữ cái. Nếu không qua đánh vần bờ-a-ba-sắc-bá mà ghép luôn các âm với nhau [b] (môi bậm lại và bật hơi ra nhẹ] [á] thì đã khỏi phải qua khâu đánh vần để mà cãi nhau lại có thể tập trung dạy các bé phát âm từng âm như thế nào cho chuẩn (như hơi phải phát ra như thế nào, lưỡi đặt ở đâu, vòm miệng thế nào, thanh âm lên xuống thế nào).
Cá nhân mình học các lớp vỡ lòng tiếng Trung, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan đều được dạy như thế và mình thấy phương pháp này hiệu quả để tiếp cận một ngôn ngữ mới, có tính khoa học ở chỗ có thể giúp mình phỏng đoán cách viết hoặc cách đọc của một từ mới dựa vào quy tắc chính tả, biết cách phát âm đúng và đọc phiên âm. Phương pháp đánh vần CNGD tiến gần hơn so với phương pháp dạy ngoại ngữ này cho nên mình không thấy lạ khi những trường áp dụng phương pháp này (ngoài các trường trong hệ thống thực nghiệm ra) là các trường tiểu học ở những vùng có lượng lớn học sinh là dân tộc thiểu sốmà với họ tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ. Một trường hợp hữu dụng khác có lẽ là để dạy cho các bé gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chăng (vì tính quy tắc và xây dựng trên nền tảng âm vị gần gũi với chúng hơn)?
Túm lại, dù còn nhiều điểm có thể tiếp tục được cải tiến, nhìn chung thì mình thấy phương pháp đánh vần CNGD này có nhiều ưu điểm, giúp trẻ làm quen với sự tách biệt giữa tiếng và chữ, âm vị và chữ cái có thể làm nền tảng cho các bé tiếp thụ những ngôn ngữ khác sau này. Hơn nữa, lại có quy tắc hơn cho những người tiếp cận tiếng Việt mà với họ đây không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng buồn thay, những tranh cãi mấy ngày qua phương pháp này lại ít thấy tập trung vào những tranh luận về ngôn ngữ học và phương pháp sư phạm cho trẻ. Phần lớn các bài chia sẻ bị vướng vào một sốhiểu lầm đáng tiếc, đánh lạc hướng dư luận. Một vài ý chính như sau (và còn rất nhiều cái khác nữa huhu)

Hiểu lầm 1/ Phương pháp CNGD dạy trẻ học vẹt nhìn ô vuông đoán chữ!

Hic, thật ra đây là bài tập đầu tiên trong sách để dạy trẻ phân biệt giữa tiếng (âm thanh phát ra) và chữ viết. Tiếng là hiện thực khách quan còn chữ viết là ký hiệu đại diện cho tiếng (có thể thay đổi –> nên cô giáo mới cho đổi giữa ô vuông với hình tròn) Lúc này bé chưa học đánh vần gì cả nên đương nhiên là không biết đọc chữ rồi. Biết phân biệt giữa tiếng với chữ cũng hay, nhưng có cần cho các bé học tiếng Việt không và phương pháp dạy có truyền đạt được không thì còn phải bàn thêm. Tại vì tiếng Việt mỗi chữ là một tiếng nên có vẻ không cần phải phân biệt lắm, nhưng biết đâu lại có lợi cho các bé luyện nghe tiếng Anh sau này? Dĩ nhiên, bài tập này không liên quan gì tới chuyện bắt bọn trẻ học vẹt mà không hiểu hay chuyển chữ viết tiếng Việt thành ô vuông hình tròn.

Hiểu lầm 2/ Ủa tiếng Việt đang yên đang lành mắc chi phải cải tiến với chả cải cách?

Ủa thì đúng rồi, GS Đại có đụng chạm tới tiếng Việt hay chữ Quốc ngữ? Chỉ là thay đổi cách dạy đọc viết qua phương pháp đánh vần khác thôi mà? (Năm ngoái năm kìa rộ lên đề án của GS Bùi Hiền đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ nhưng nó không liên quan một tí ti nào với CNGD của GS Đại). Hơn nữa, cũng chẳng có “cải cách” trên trời rơi xuống nào ở đây. Phương pháp CNGD đã tồn tại song song cả 40 năm nay rồi! Các trường bên ngoài hệ thống thực nghiệm bây giờ chỉ là có thêm lựa chọn hơn thôi? Lại còn thuyết âm mưu độc quyền bán sách nữa chứ! Ủa mà sách giáo khoa nào mà không là trò chơi độc quyền của (nhóm) tác giả viết ra nó?

Hiểu lầm 3/ Phương pháp gì mà rắc rối nhiều quy tắc quá, người lớn không nhớ nổi mà ép trẻ con học?

Ơ, người lớn không học được ai bảo trẻ không học được? Gì chứ mấy quy tắc, kĩ năng mới thì trẻ con tiếp cận nhanh hơn người lớn mà! Vì hồi còn nhỏ chưa hình thành các kết nối neuron nhiều nên muốn vẽ đường gì lên đó cũng nhanh. Còn người lớn nếu như học một cái gì mới mà xung khắc với cái cũ (kết nối neuron đã hình thành) thì phải tốn năng lượng để dung hòa giữa cái mới với cái cũ. Nên người lớn loạn là phải rùi! Đừng áp đặt cái nhìn của người lớn lên trẻ con! Nếu phụ huynh thấy băn khoăn thì nên chăng đối thoại trực tiếp với thầy cô giáo / tác giả của phương pháp sư phạm đó, thay vì áp đặt tư duy của mình vào để phán xét ngay lập tức làm hoang mang con trẻ?
Tóm lại là, muốn đánh giá giá trị của một phương pháp thì phải xem xét nền tảng và logic nội tại của nó. Nếu muốn đánh giá hiệu quả của một phương pháp sư phạm thì phải xem xét kết quả đo lường so sánh và trải nghiệm của giáo viên, học sinh. Mà thật ra chuyện đánh vần cũng không phải là chuyện gì ghê gớm lắm, rồi cũng biết đọc biết viết hết thôi mà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *